Lăng mộ Trịnh_Thị_Ngọc_Lung

Khi trở thành Quốc Thái mẫu, Ngọc Lung có nguyện vọng là được làm sinh từ tại Thịnh Mỹ xã và được Nhà Chúa chấp thuận.

Đầu xuân năm Bính Dần (1685), Nhà Chúa đặc cách phân nhiệm một bộ phận xây dựng sinh từ cho Trịnh Thị Ngọc Lung do Chúa Trịnh cắt cử. Như vậy, Lăng được xây dựng 21 năm trước khi Quốc Thái mẫu qua đời.[5]

Do biến thiên của lịch sử, Lăng Quốc Thái mẫu Trịnh Thị Ngọc Lung không còn kiến trúc như xưa. Hiện tại toàn bộ khu vực lăng được phân bố trên một mặt bằng với diện tích 4.600m2 bao gồm khu vực cổng lăng và chính lăng. Toàn bộ khu vực lăng được làm bằng đá mà những hiện vật còn lại đến ngày nay cho chúng ta biết được kiến trúc lăng (sinh từ) là điều cần thiết.

Tấm bia Hậu Đức cung bi ký do Đông các đại học sỹ Bồi tụng sử bộ Tả thị lang Nguyễn Viết Thứ soạn dưới thời vua Lê Hy Tông - Chính Hòa năm thứ 7 (1683) nói về thời gian xây dựng Lăng cùng thân thế, sự nghiệp, công đức của Trịnh Thị Ngọc Lung là một tài liệu hết sức quý giá, có giá trị to lớn về mặt lịch sử.

Bia có hình dáng vuông cạnh cả bốn mặt, trên có mái che hình chóp, đỉnh có núm dáng kiệu long ngai. Toàn bộ bia được tạo tác trong một khối đá nguyên, mặt bia khắc nét chữ sắc, trán bia được chạm khắc hình lưỡng long chầu nguyệt, diềm bia được chạm lá cúc cách điệu. Tất cả được đặt trên một bệ bia cũng hình vuông được đặt dật cấp từ thấp lên cao. Hậu Đức cung bi ký là một tấm bia không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị trong việc nghiên cứu mỹ thuật điêu khắc đá Việt Nam thế kỷ XVII.[2]

Ngoài tấm bia Hậu Đức cung bi ký còn có:

  • Hai Chó đá ngồi ở tư thế ngồi xổm, miệng mím, cổ được chạm nổi vòng đeo nhạc.
  • Hai Nghê đá ở tư thế ngồi xổm, miệng hé vừa phải, trên mình nghê được chạm hoa văn hình mây xoắn, sóng nước và mây lửa.
  • Sập đá: hình vuông, cấu trúc theo kiểu chân quỳ, dạ cá. Mặt sập được chạm hình lục giác liền nhau, bốn mặt được vo tròn cạnh. Đế sập tứ diện được chạm nổi hình rồng cuộn tròn trong mây lửa và lá cúc cách điệu.
  • Hương án: Được tạo tác trên một khối đá xanh có dáng hình trụ, ở trên 4 mặt của hương án được chạm khắc dây đặc nhiều kiểu hoa văn khác nhau như: rồng, chim, mây lửa, lá đề đường triện, chuyển tải nhiều nội dung về triết lý cuộc sống: nhân, sinh, vũ trụ.
  • Thành bậc cổng lăng: Là hình hai con sóc (sấu) được chạm nổi trên thành bậc trên tư thế đang lao chạy về phía nhau bất chợt như thu chân lại, ghìm mình lại. Thân sấu đuôi dài, mồm, má, răng, mắt, mũi, bờm ngực, dáng khỏe, than phủ kín hoa tròn cánh xòe, văn dấu hỏi, đuôi to lượn sóng, cổ đeo nhạc.
  • Hai miếu thờ: Mẫu nghi thiên hạ Liễu Hạnh và Thánh mẫu nhân đầu, đây là 2 miếu thờ có lẽ được đời sau dựng thêm. Mặt trước miếu được chạm khắc khá công phu theo văn hình lá đề biến thể ở cạnh. Phía trên cùng là Rồng chầu mặt nguyệt, hai bên cửa được chạm nổi hình hạc đứng trên lưng rùa. Phía dưới cùng chân miếu là mặt hổ phù. Toàn bộ 2 miếu được đặt trên bệ xây gạch và vôi vữa, dật hai cấp. Ngoài ra còn có một số cột đá, móng đá nằm rải rác trong khu lăng mộ cũng được chạm khắc hoa văn khá tinh xảo và sinh động.

Hiện nay Lăng Quốc Thái mẫu Trịnh Thị Ngọc Lung không còn giữ được diện mạo ban đầu, nhưng những gì còn lại trong khu Lăng cùng với nhân vật lịch sử, lăng Quốc Thái mẫu đã được sử sách ghi chép là một "cung từ" nổi tiếng bề thế, trang nghiêm. Những hiện vật bằng đá còn giữ được qua nhiều thế hệ đến nay mà nghệ thuật tạo hình của các thế kỷ sau không thể sánh kịp.[2]

Lăng Quốc Thái mẫu Trịnh Thị Ngọc Lung thuộc thôn Thịnh Mỹ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá) đã được công nhận là di tích cấp tỉnh từ năm 1999. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, UBND, Phòng Văn hoá huyện Thọ Xuân đã ký kết bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử văn hoá trên, với tổng diện tích "bất khả xâm phạm" là 4.600m2.[1]